MÔ HÌNH LÚA - RƯƠI - CÁY Ở ĐÔNG TRIỀU - QUẢNG NINH
Tận dụng lợi thế vùng bãi triều ven sông, người nông dân Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên từ bao đời nay đã biết khai thác rươi – lúa – cáy, mô hình “3 trong 1” đơn giản, tự nhiên mà vô cùng hiệu quả, phục vụ cho đời sống dân sinh. Nhưng để các nông đặc sản này trở thành hàng hoá có giá trị cao trên thị trường, có thương hiệu riêng thì mới lác đác có vài “đốm sáng” thắp lên giữa một vùng dư địa rộng lớn đầy tiềm năng, khiến cho chúng ta không khỏi tiếc nuối…
Gạo ruộng rươi ra thị trường, đạt chuẩn OCOP 4 sao
Gạo ruộng rươi có thể hiểu đơn giản là gạo làm ra từ quá trình canh tác lúa trên các đồng bãi ven sông, vốn là nơi sinh sống của con rươi, con cáy. Lúa trồng trên đất bãi có thuỷ triều lên xuống định kỳ nên được bồi đắp phù sa thường xuyên, mang nguồn dinh dưỡng dồi dào, trong đó có hàm lượng khoáng tự nhiên cao. Quá trình canh tác gạo ruộng rươi bà con không sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật…
Người nông dân soi, thu hoạch rươi về đêm.
Vì thế mà sản lượng gạo trồng trên ruộng rươi cáy không cao, chỉ đạt khoảng 30% tới 40% (nếu được chăm sóc tốt) so với năng suất lúa trung bình hiện nay (trên 60 tạ/ha), tuy nhiên các chỉ tiêu dinh dưỡng, khoáng chất của gạo đều cao hơn các loại gạo thông thường, sạch, an toàn.
Ở Đông Triều lâu nay, lúa gạo được thu hoạch trên các bãi rươi, bà con đều để ăn, không đủ đưa ra bán ngoài thị trường. Chị Đặng Thị Bình, hộ nông dân ở khu Nhuệ Hổ, phường Kim Sơn, trao đổi: Cấy lúa là để cho đất có màu, cày rơm rạ xuống cho đất tơi xốp, có cái cho con rươi nó ăn, nó sinh sôi là chủ yếu…”. Giống như chị Bình, bà con trồng lúa trên gần 210ha ruộng rươi, cáy hiện nay của Đông Triều chỉ thu hoạch kiểu “được chăng hay chớ” và “tự cấp tự túc”. Chính vì thế, dù là sạch, an toàn nhưng cái tên gạo ruộng rươi vẫn không mấy quen thuộc với người tiêu dùng, ngay cả với không ít người dân Đông Triều.
Sản phẩm rươi nuôi khu vực miền Tây của tỉnh được đánh giá chất lượng tốt.
Các thành viên HTX đồng rươi Đông Triều đã nhìn ra tiềm năng của gạo rươi với dòng khách hàng cao cấp, ưa thích các sản phẩm gạo sạch chất lượng cao, có lợi cho sức khoẻ và đi theo hướng này từ khoảng 4 năm trở lại đây.
Qua tìm hiểu được biết, HTX chỉ ưu tiên gieo cấy 3 giống lúa là Bắc thơm cổ, lứt Hồng Hương và giống nếp cái hoa vàng Đông Triều cũng là 3 dòng sản phẩm chính của đơn vị. Chị Nguyễn Thị Thanh, đại diện HTX đồng rươi Đông Triều, phân tích: Gạo lứt Hồng Hương do các kỹ sư nông nghiệp Quảng Ninh nghiên cứu ra, chúng tôi thấy rất quý cho sức khoẻ con người nhưng ít được sử dụng, có nguy cơ mất đi, nên đưa vào gieo cấy. Giống nếp cái hoa vàng Đông Triều là thương hiệu gạo nếp nổi tiếng của địa phương lâu nay, còn giống Bắc thơm cổ cho năng suất thấp nhưng chúng tôi vẫn chọn vì có chất lượng gạo thơm ngon bậc nhất trong các giống lúa ở phía Bắc. Chúng tôi ưu tiên về chất lượng gạo hơn là chạy theo số lượng…
Thu hoạch lúa rươi vụ chiêm xuân năm nay tại HTX Đồng rươi Đông Triều, phường Kim Sơn, TX Đông Triều.
Gạo rươi Bắc thơm, Gạo rươi lứt Hồng Hương và Gạo rươi nếp cái hoa vàng Đông Triều mặc dù là những cái tên mới trên thị trường chỉ từ khoảng 4 năm nay nhưng đã được HTX Đồng rươi Đông Triều đăng ký bảo hộ thương hiệu, sử dụng dưới logo chung là Gạo rươi Đông Triều. Năm 2021, năm đầu tiên đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh, sản phẩm Gạo rươi Bắc thơm và Gạo rươi lứt Hồng Hương đã được công nhận 4 sao, hạng sao cao nhất tại Cuộc thi xếp hạng sao cho các sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2021.
Các dòng gạo này đã và đang từng bước hình thành thương hiệu riêng, được thị trường chấp nhận. Với sản lượng gần 200 tấn/năm, các sản phẩm gạo rươi của HTX được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội và Hải Phòng với những khách hàng truyền thống, có lựa chọn.
Lãi ròng từ con rươi
Trên mỗi cánh đồng lúa – rươi – cáy ở vùng Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên hiện nay, cây lúa vừa cho thu hạt gạo vừa là môi trường phát triển của con rươi. Con rươi và con cáy cùng được sinh sôi, phát triển tự nhiên. Riêng con rươi chiếm ưu thế hơn bởi giờ đây con người có thể tác động để gia tăng về số lượng, mật độ và tốc độ phát triển của chúng…
Vùng lúa - rươi - cáy bên dòng sông Cầm, TX Đông Triều.
Con rươi vốn được gọi là “lộc trời”. “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng 5” là thời điểm tại một số bãi triều, vùng nước lợ dọc sông, nhiều nhất là sông Cầm ở Đông Triều, con rươi trưởng thành, béo tròn nổi trên mặt nước, có đám mật độ dầy khiến màu nước chuyển sang sắc hồng. Những con nước ấy, người dân bản địa canh chừng để kịp thời ra vớt rươi, nguồn thu mang lại có khi lên đến cả triệu đồng/ngày.
Từ năm 2018 đến nay, với thành công của một doanh nghiệp tại Hải Phòng trong sản xuất giống rươi và thức ăn cho rươi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh thí điểm triển khai 90ha nuôi rươi thương phẩm, có bổ sung giống và thức ăn trên chân ruộng có trồng lúa và phát triển rươi, cáy tự nhiên. Với mô hình này, quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản của con rươi từ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, con người không nắm được số lượng nhiều ít thì nay đã có thể chủ động điều chỉnh, đong đếm mật độ sinh sống của chúng trên từng m2 diện tích. Nếu ở ruộng rươi tự nhiên chỉ đạt mật độ 30 – 35 con/m2 thì ruộng rươi có bổ sung giống đạt đến 100 - 150con/m2. Các khâu kỹ thuật thả giống rươi, khâu bổ sung thức ăn cho rươi đã được các đơn vị chuyên môn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, tỷ lệ rươi sống và phát triển sau thả giống đạt khoảng 70%.
Ông Vũ Văn Đóa, khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí cùng cán bộ phường kiểm tra mật độ lỗ rươi sau 1 tháng thả giống.
Hiện nay, việc nuôi rươi thương phẩm có bổ sung giống, thức ăn đã trở nên phổ biến hơn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, cùng với diện tích triển khai theo chương trình khuyến nông kể trên là 90ha, người dân tự triển khai khoảng 250ha, chủ yếu ở 3 địa phương Đông Triều, Uông Bí và Quảng Yên.
Người dân cũng đã khá thành thục với những kỹ năng nuôi rươi không phụ thuộc vào tự nhiên. Chị Nguyễn Thị Lý, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều, rành mạch chia sẻ kinh nghiệm: Giống rươi thả bổ sung có thể thả vào tháng 3 hoặc tháng 9 Âm lịch, cũng đúng mùa sinh sản tự nhiên của con rươi. Thức ăn cho rươi ban đầu là bột tảo pha chế theo tỷ lệ của doanh nghiệp cung ứng đưa ra, sau rồi khi rươi cứng cáp có thể cho ăn lượng nhỏ thức ăn công thức với thành phần là cám gạo và bột tôm. Trước đó, việc cày ải, bón lót cho đất bằng phân chuồng đã hoai ủ vừa làm tăng độ dinh dưỡng trong đất để cây lúa tốt tươi, vừa kích thích hình thành vi sinh vật và tảo, cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi. Rươi phát triển trong khoảng 6 tháng là được thu hoạch, đây cũng là lúc lúa vào mùa chín vàng và mùa cáy đông đàn.
Cán bộ Phòng Kinh tế thị xã trao đổi với các thành viên HTX Đồng rươi Đông Triều về chất lượng lúa rươi năm nay tại cánh đồng khu Nhuệ Hổ, phường Kim Sơn, Đông Triều.
Với phương pháp canh tác rươi thương phẩm có bổ sung giống, thức ăn như trên, một héc ta diện tích cho thu rươi đạt 300 – 350kg, tăng 100kg – 150kg/ha, tương đương tăng 60% - 70% so với nuôi rươi tự nhiên. Cùng với con rươi, vụ thu hoạch ruộng lúa – rươi – cáy vào tháng 7 vừa qua, người dân còn có thêm gần 2,5 tấn thóc/ha, khoảng hơn 500kg cáy/ha. Tổng doanh thu 3 loại đạt trên 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Duy Duẩn, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay, rươi lâu nay là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, “cung không đủ cầu”, một phần do con rươi có thành phần dinh dưỡng cao, phần khác chúng rất sạch, an toàn. Tuy nhiên, con rươi là loài nhuyễn thể nhạy cảm với môi trường sống, chỉ một lượng nhỏ các chất hóa học cũng đủ kiến chúng suy giảm sức đề kháng, ngừng tăng trưởng và chết hàng loạt. Với giá thu mua rươi hiện nay ổn định mức 350.000 đồng – 400.000 đồng/kg, nguồn thu từ con rươi là 120 - 140 triệu đồng/ha. Hạch toán một cách chi tiết, chỉ riêng khoản thu từ lúa và cáy cũng có thể đủ bù chi phí sản xuất trong cả vụ canh tác. Phần thu còn lại từ con rươi sẽ là lãi ròng, đây là mức doanh thu cao so với nhiều mô hình nông nghiệp hiện nay.
Kỳ vọng về một vùng lúa – rươi – cáy hữu cơ
Có thể thấy, mô hình lúa – rươi – cáy ở các địa phương Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí triển khai thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo các chuyên gia, dư địa phát triển cả về số lượng, giá trị mô hình canh tác này trên địa bàn Quảng Ninh còn lớn, trong đó hoàn toàn có thể kỳ vọng về một vùng lúa - rươi – cáy hữu cơ, vốn là xu thế phát triển nông nghiệp tất yếu hiện nay.
Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác tránh hoặc bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng hoặc các phụ gia trong thức ăn. Đối với mô hình lúa - rươi - cáy mà nói chính là một quy trình sản xuất điển hình theo hướng này. Và 3 sản phẩm lúa, rươi, cáy đang có nhiều các tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Phóng viên thực địa trên đồng rươi cùng với bà con nông dân phường Kim Sơn, Đông Triều.
Hiện nay, trong 340ha lúa – rươi – cáy đang triển khai đã có 90ha do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2018 đến nay, được cấp chứng nhận hữu cơ đối với sản phẩm lúa. Cùng với đó, 36ha lúa – rươi – cáy của người dân Đông Triều nằm trong khuôn khổ liên kết sản xuất với HTX Đồng rươi Đông Triều cũng đang rà soát các điều kiện trước khi mời đơn vị chuyên môn độc lập về thẩm định đánh giá và cấp chứng nhận lúa hữu cơ. Trước đó, toàn bộ gạo ruộng rươi, cáy mà HTX thu được đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao với nhiều tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn hữu cơ.
Riêng đối với con rươi, theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, hoàn toàn có thể nâng cao sản lượng so với hiện nay nếu như được tác động kỹ thuật một cách sâu hơn. Ví như thả bổ sung giống rươi vào các mùa, các thời điểm trong năm, thay vì chỉ tháng 3 và tháng 9 Âm lịch như hiện nay. Hay như bổ sung thức ăn cho rươi với những công thức khác nhau theo độ tuổi, giai đoạn phát triển và sức khỏe của con rươi, thay vì bổ sung thức ăn kiểu “phổ rộng” như hiện nay. Cũng theo ông Lâm, những nghiên cứu kỹ thuật chuyên sâu như trên đã và đang được đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp nghiên cứu nghiêm túc, có sản phẩm đã bước đầu đưa ra thị trường, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng.
Bà Nguyễn Thị Chúc, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều trữ rươi để chế biến sau mỗi đợt thu hoạch.
Đối với cây lúa ruộng rươi, cáy cũng vậy, theo ông Phạm Duy Duẩn, nếu được chuyển đổi từ giống địa phương sang giống đặc sản, đồng thời được chú trọng quy trình chăm sóc, thu hoạch thì sản lượng có thể đạt 60% - 80% năng suất lúa thông thường, tương đương 4 - 4,5 tấn/ha, tăng gấp 2 - 3 lần hiện nay, giá trị cũng đạt mức tăng tương tự.
Thực tế trong toàn quốc đã có mô hình 1ha lúa – rươi – cáy đạt đến gần 1 tấn rươi, 5 tấn thóc ST25 và 700kg cáy. Tổng doanh thu đạt đến 300 - 400 triệu đồng/ha. Con số này đáng mơ ước đối với không chỉ nhà nông.
Đáng nói là qua khảo sát, toàn tỉnh còn có trên 500ha có thể tiếp tục triển khai mô hình “3 trong 1” này. Nếu hiện thực hoá được thì có thể nâng diện tích lúa – rươi – cáy của Quảng Ninh tới trên 800ha, đây có thể coi là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cũng đồng nghĩa với trên 800ha nông sản sạch, an toàn, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị cao.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để người dân nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị mô hình lúa – rươi – cáy, đưa mô hình này lên bước phát triển mới là nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, đầu tiên là việc ứng dụng công nghệ chuyên sâu cho con rươi, thay đổi biện pháp canh tác để nâng cao năng suất, sản lượng đối với cây lúa…
Gạo ruộng rươi của HTX Đồng rươi Đông Triều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, để đạt mục tiêu trên, Quảng Ninh cần sớm có chế tài, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả mô hình lúa – rươi – cáy. Về việc này, chúng tôi đã có tham mưu và sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó cần nhiều hơn nữa những đơn vị, doanh nghiệp kết nối với người dân như HTX Đồng rươi Đông Triều, đóng vai trò “bà đỡ” cho nông dân gia tăng giá trị của mình, cũng như mở rộng vùng nguyên liệu, phục vụ chiến lược phát triển chung…
Cùng với đó là sự chủ động của người nông dân trong đổi mới tư duy, “bắt tay” cùng nhà nước, doanh nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm của mình. Tôi cho rằng với điều kiện như trên, đã đến lúc chúng ta, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng ngồi lại với nhau để phát triển và khai thác vùng dư địa lúa – rươi – cáy hữu cơ của tỉnh.